Di sản thế giới thành nhà Hồ (Thanh Hóa) ẩn chứa rất nhiều câu
hỏi chưa có lời giải, trong đó có chuyện thời gian, kỹ thuật xây thành, đôi
rồng đá bị mất đầu và ngôi mộ táng khổng lồ ở đàn tế Nam Giao…
Thành nhà Hồ là công trình kiến
trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam . Thành được Hồ Quý Ly cho xây vào
mùa xuân năm 1397, còn gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô
(Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào
cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm, từ 1400 đến
1407.
Sử cũ chép, vào năm 1397, đất nước
đứng trước nạn xâm lăng của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã lệnh cho quan Thượng thư Bộ
Lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đến thị sát vùng đất Thanh Hoá để xây dựng thành
trì, chuẩn bị cho việc định đô. Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay thuộc xã Vĩnh
Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một
cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng người trong
thiên hạ xa lánh, đoạn tuyệt với nhà Trần.
Vùng đất được chọn có địa thế hiểm
yếu, có đường đi từ Bắc vào Nam
và sang Lào. Xung quanh được án ngữ bởi nhiều ngọn núi cao, hai mặt nam, bắc có
sông Mã và sông Bưởi chảy qua.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La
thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá
nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Toàn bộ mặt ngoài tường thành và
bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh
xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những
khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được
sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Theo sử sách ghi lại trong thành có
nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly),
Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác
gì kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, trải qua hơn 6 thế kỷ tồn tại với rất nhiều
tác động của thiên nhiên và con người, hầu hết công trình kiến trúc bên trong
Hoàng thành đã bị phá hủy.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh
giá, kiến trúc của Thành nhà Hồ rất khoa học, với các phiến đá được đục đẽo
vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như
động đất. Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng
tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn
và bom đạn tàn phá. Điều đặc biệt là công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như
vậy mà quá trình xây dựng chỉ vỏn vẹn ba tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng
3/1397).
Thời ấy chưa có công nghệ vận
chuyển hay ghép đá gắn xi măng, vậy làm sao để những bức tường thành được xếp
vuông vắn, thẳng đứng và tồn tại đến ngày nay? Điều gì đã giúp người thợ xưa
với công cụ thô sơ lại có thể vận chuyển và xây nên tường thành bằng những
phiến đá khổng lồ?
Câu trả lời được hé lộ phần nào khi
người ta tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả
cầu mây) trong nhiều lần khai quật khảo cổ. Việc tìm thấy những viên bi đá này
giúp củng cố giả thiết người thợ khi xưa đã dùng chúng như con lăn để tời đá từ
vùng khai thác (cách vị trí xây thành hàng chục km). Kết hợp với tời và đắp
đất, người ta đã đưa những phiến đá lên cao để xây thành.
Ngoài kỹ thuật xây thành, đôi rồng
đá mất đầu cũng là câu hỏi hiện chưa có lời giải thỏa đáng. Nằm ở trung tâm tòa
thành, hai con rồng mất đầu nằm song song hai bên đường đi xuyên qua thành nối
từ cổng Nam
lên cổng Bắc. Nhà Hồ thất thủ, đôi rồng đá mất tích bí ẩn. Năm 1938, tượng rồng
đầu tiên được một nông dân phát hiện khi đang cày ruộng trong thành. Cho rằng
đã là tượng rồng ở cung vua thì nhất thiết phải có cặp nên các chức dịch trong
làng đã cho đào bới khắp vùng mới tìm được tượng rồng đá thứ hai.
Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ.
Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn
chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất
nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn chín nếp. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam
giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm.
Theo nhiều nhà nghiên cứu điêu
khắc, đôi rồng này là loại được chạm khắc trên thềm bậc của các cung điện như
hiện thấy ở điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam
Kinh (Thanh Hóa).
Ai đã chặt đầu rồng, câu hỏi này có
nhiều lý giải. Người cho rằng sau khi xâm lược, quân Minh đã chặt đầu rồng,
biểu tượng quyền lực của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này.
Lại có người cho rằng việc này là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ
gây ra.
Lại có ý kiến rằng thời kỳ mới
chiếm đóng Việt Nam ,
người Pháp bắt dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con
đường dẫn tới đôi rồng đá. Người dân bức xúc nên chặt đầu rồng? Còn một cách lý
giải lưu truyền trong dân gian rằng có thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam , thuộc xã
Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà. Người dân cho rằng do rồng quay đầu về
làng phun lửa gây cháy nên đã chặt đầu rồng.
Người dân xứ Thanh còn truyền tai
câu chuyện nhuốm màu giang hồ như sau. Nghe đồn trong mắt rồng ở cung cấm
thường được vua chúa cho yểm rất nhiều vàng ngọc châu báu, một đêm lợi dụng lúc
trời đổ mưa như trút nước, trong thành hoang vắng không bóng người qua lại,
hàng chục đạo tặc bí mật chặt đầu đôi rồng mang đi xa đập nát để tìm ngọc quý.
Cũng chẳng ai nhớ đó là năm nào.
Tiến sĩ Phạm Văn Đấu (Hội sử học
Thanh Hoá) đánh giá đôi rồng đá ở thành Tây Đô thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp
nhất hiện còn lại ở Việt Nam .
Đôi rồng thể hiện nghệ thuật chạm khắc thời Trần lúc hưng thịnh với đặc điểm
khỏe khoắn, đầy đặn. “Sử cũ không ghi chép cũng không ai biết đôi rồng đá bị
mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho
chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận”, tiến sĩ Đấu nói.
Xung quanh ngôi thành đá hơn 600
năm tuổi vẫn còn vô số bí ẩn đang chờ giải mã. Mới đây nhất, trong quá trình
tôn tạo, phục dựng di tích đàn tế Nam Giao thuộc di sản thành Nhà Hồ, các nhà
khảo cổ đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong có bộ xương còn tương đối
nguyên vẹn.
Bộ xương ở tư thế nằm ngửa, được
đặt trong bia mộ quây bằng đá. Vị trí của ngôi mộ đá này nằm dưới lòng bức
tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn. Qua nghiên cứu,
các nhà khảo cổ nhận định, đây là bộ xương trâu. Nhưng vì sao lại mai táng trâu
ở vị trí trang trọng là đàn tế, nơi được coi là chốn linh thiêng, thì vẫn là
câu hỏi bỏ ngỏ.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc
Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho rằng đối với người phương Đông, quan
niệm “tam sinh” (ba vật dùng trong lễ tế thần gồm trâu, dê, ngựa) đã trở thành
luật bất thành văn và ăn sâu trong lòng người Việt. Rất có thể trước khi khởi
dựng đàn tế, Hồ Quý Ly đã cho cúng trâu để tế thần linh. Mặt khác, xứ Thanh
thuộc hạ lưu sông Mã, là vùng canh tác lúa nước màu mỡ phì nhiêu hàng nghìn năm
nay, nên con trâu luôn được đánh giá cao. Hồ Quý Ly cho cúng tế thần linh bằng
trâu với mong muốn dân được no đủ, mùa vụ bội thu.
Hiện ngôi mộ đá táng trâu vẫn nằm
nguyên vị trí cũ. Theo kế hoạch tới đây số cốt xương của con trâu được tế lễ
hơn 600 năm về trước sẽ được khai quật toàn bộ. Mô hình mộ đá sẽ được dựng lại
để đảm bảo thống nhất toàn vẹn của di tích đàn tế trong quần thể di sản Thành
nhà Hồ.
Thành
nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng
thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang
nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày
27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức
Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris
(Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
|
Lê Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét